Thắng lớn năm nay
Chiều nay 10.11, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 với tinh thần phấn khởi. Kết thúc niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10.2022 đến tháng 9.2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60 kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao kỷ lục trong các niên vụ từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân thì 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống trong niên vụ cà phê 2022 - 2023 là: Intimex TP.HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam. Xét về xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022 - 2023 thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.
10 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam
Niên vụ 2022 - 2023, Đức đang dẫn đầu với gần 219.000 tấn, Ý đứng thứ 2 với hơn 156.000 tấn, Mỹ thứ 3 với hơn 143.000 tấn, Nhật Bản thứ 4 với gần 112.000 tấn, Nga thứ 5 với gần 107.000 tấn, Tây Ban Nha thứ 6 với hơn 100.000 tấn, Bỉ thứ 7 với 73.000 tấn, Algeria thứ 8 với hơn 64.000 tấn, Mexico thứ 9 và Trung Quốc thứ 10 với hơn 44.000 tấn.
Giá cà phê Robusta của Việt Nam tăng cao chủ yếu là do sản lượng giảm mạnh. Sau nhiều năm ngụp lặn ở vùng giá đáy, nông dân đã chán nản không chăm sóc và chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, trong đó đang cho thu hoạch: 653.000 ha, sản lượng 1,845 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha. Diện tích, sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm, nhiều yếu tố cung cầu khiến giá cà phê được đẩy lên cao ngất.
Năm sau tiếp tục thắng lớn nhờ... sầu riêng?
Không phải ngẫu nhiên mà mặt hàng sầu riêng lại được nhắc đến với một vai trò quan trọng tại cuộc họp của ngành cà phê. Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VICOFA chia sẻ: "Tôi vừa có chuyến khảo sát thị trường tại Trung Quốc. Ở đó, người ta xem trái sầu riêng của Việt Nam như một đặc sản quý hiếm. Trước đây, thị trường này sử dụng sầu riêng Thái Lan, nhưng so với sầu riêng Việt Nam thì chúng ta có lợi thế hơn là hái từ nhà vườn sau đó chở thẳng ra biên giới, đi vào các chợ, còn sầu riêng Thái Lan do ở xa hơn nên mất thời gian vận chuyển, bảo quản. Ở trong nước, người dân làm giàu từ trái sầu riêng nên rất phấn khởi, tương lai xa thì chưa biết thế nào nhưng ít nhất trong vòng vài năm tới, cây sầu riêng vẫn có lợi thế hơn cà phê trên vùng đất Tây nguyên, chính vì lẽ đó diện tích và sản lượng cà phê khó có khả năng tăng cao, và nhờ vậy vẫn có thể giữ được giá bán cao".
Tại hội nghị, một trong những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm là Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu. Theo quy định này, 7 mặt hàng bao gồm cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu tương, gia súc, gỗ, cao su và các sản phẩm chế biến có liên quan như: đồ gỗ, lốp, thịt đông lạnh, các sản phẩm in.... sẽ không được phép nhập khẩu vào thị trường EU nếu sản phẩm được trồng trên đất phá rừng vào thời điểm từ 31.12.2020 trở lại đây. Từ tháng 12.2024 sẽ chính thức áp dụng đối với các tập đoàn lớn và tháng 6.2025 sẽ chính thức áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy định này được xem như là rào cản cho hàng hóa nhập khẩu vào EU, trong đó có cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng với vị thế là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nguồn cung ngày càng thu hẹp và nhu cầu sử dụng Robusta có phần tăng lên, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động khai thác thị trường khác và thậm chí tạo áp lực buộc EU phải điều chỉnh các quy định mang tính áp đặt.
Trong khi đó, một tín hiệu lạc quan khác là tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025 - 2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016 - 2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới. Như vậy, ngành cà phê xuất khẩu có thêm những điều kiện để giữ vững vị thế và chủ động cung cầu để mang về giá trị cao nhất.